Người nhà cho biết, bệnh nhân có tiền sử loạn thần sau đẻ, được điều trị tại khoa Tâm thần vừa ra viện được 3 ngày, về nhà bệnh nhân có biểu hiện mất ngủ, đi lại lung tung không chủ đích, lôi kéo người xung quanh để trình bày những việc không hiểu, không biết chăm sóc con nên được đưa vào nhập viện điều trị.
Các bác sĩ chuyên khoa tâm thần cho biết, mang thai và sinh con là một giai đoạn có nhiều biến đổi về tâm sinh lý. Giai đoạn này cơ thể người phụ nữ có sự biến động cần được thích nghi cả về mặt cơ thể và tâm thần. Do đó các vấn đề bệnh lý về cảm xúc và tâm thần thường xuất hiện ở giai đoạn này, trong đó có loạn thần sau đẻ.
Dấu hiệu của rối loạn tâm thần sau sinh có thể xuất hiện bất cứ lúc nào nhưng biểu hiện lại khác nhau tuỳ thuộc vào từng nhóm bệnh lý.
- Baby blue: Chỉ xuất hiện có một vài ngày hoặc vài tuần có thể bao gồm: lo âu, buồn bã, kích thích, khóc lóc, khó ngủ.
- Trầm cảm sau sinh: Có thể xuất hiện như các baby blues lúc đầu tiên nhưng các triệu chứng có cường độ cao hơn và kéo dài. Các triệu chứng như: ăn không ngon, mất ngủ, khó chịu và tức giận, quá mệt mỏi, không quan tâm đến vấn để tình dục, thiếu niềm vui trong cuộc sống, cảm giác xấu hổ hoặc tội lỗi, khóc lóc, tâm trạng bất an, khó khăn khi liên kết với bé, không chăm sóc con, suy nghĩ gây tổn thương bé, tự sát.
- Các rối loạn tâm thần sau sinh (thường sau sinh 2-4 tuần): Các triệu chứng của rối loạn tâm thần sau sinh bao gồm: Có hoang tưởng hoặc ảo giác, bạo lực đối với đứa trẻ, nỗ lực để làm hại bản thân hoặc em bé.
Để phòng các rối loạn này, người phụ nữ nên chuẩn bị tâm lý sinh con và nuôi con ngay từ khi mang thai. Cần được cung cấp các kiến thức về sản khoa, về cách nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sơ sinh, có như thế, sau khi sinh con, người phụ nữ sẽ tự tin hơn và tránh rơi vào tâm lý hoảng loạn, hoang mang khi phải bắt đầu vai trò làm mẹ.
Ngoài ra, người thân trong gia đình cũng nên quan tâm, chăm sóc và phát hiện sớm các biểu hiện bất thường để điều trị. Việc phát hiện và điều trị sớm các rối loạn tâm thần sau đẻ có ý nghĩa rất quan trọng. Tùy theo tính chất bệnh lý mà bệnh nhân được dùng các thuốc chống trầm cảm hoặc chống loạn thần. Các thuốc này phải được các bác sỹ chuyên khoa chỉ định.
Đối với trường hợp trầm cảm nặng hoặc loạn thần sau sinh thì cần cách ly mẹ và con để đảm bảo an toàn cho con. Khi ổn định mới cho tiếp xúc mẹ con và được theo dõi bởi bác sỹ chuyên khoa tâm thần và gia đình. Một số trường hợp có thể tái phát bệnh ở những lần sinh nở tiếp theo. Vì vậy cần tư vấn cho gia đình chú ý đến những thay đổi của người mẹ khi sinh đẻ.
Một điều cần lưu ý là hầu hết tất cả các loại thuốc hướng thần được sử dụng để điều trị rối loạn tâm thần sau khi sinh cho người mẹ đều được đào thải qua sữa mẹ nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn với việc cho con bú. Vì vậy phải ngừng và chấm dứt việc cho con bú sữa mẹ để khỏi ảnh hưởng đến con. Bệnh nhân cần được đưa đến khám bệnh tại các bác sĩ chuyên khoa để có sự chẩn đoán và điều trị phù hợp.