Viêm mũi xoang là tình trạng viêm của niêm mạc ổ mũi và các xoang cạnh mũi
Viêm mũi xoang do rất nhiều nguyên nhân gây nên: do virus, do bụi bẩn, nấm mốc, phấn hoa, khí lạ, do cản trở cơ học của khối u, dị dạng hốc mũi (gai vách ngăn, mào vách ngăn...), một số ít do chấn thương, hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản...
Về phân loại: được phân thành 3 nhóm dựa vào các triệu chứng diễn ra theo thời gian:
Cấp : ≤ 4 tuần
Bán cấp : 4 – 12 tuần
Mạn tính: ≥ 12 tuần
Các triệu chứng của viêm mũi xoang: Đau vùng mặt tương ứng với các vùng xoang, cảm giác căng hoặc nặng mặt, nghẹt tắc mũi; chảy dịch, mủ ở mũi trước hoặc mũi sau, giảm hoặc mất ngửi, có mủ trong ổ mũi (qua thăm khám), sốt (chỉ trong VMX cấp) hoặc đôi khi có những triệu chứng đau đầu, thở hôi, mệt mỏi, đau răng, ho, cảm giác nặng hoặc đau nhức trong tai. Khi có những dấu hiệu trên tốt nhất là nên được khám bởi bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng phát hiện sớm bệnh viêm xoang để điều trị kịp thời.
Để phòng bệnh cần rửa tay thường xuyên vì virus có thể sống lâu hơn các bề mặt mà bạn có nhiều khả năng sờ tay vào như tay nắm cửa, đồ dùng.... Có một chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục đều đặn giữ sức khỏe tốt sẽ giúp bảo vệ cho hệ miễn dịch khỏe mạnh. Nên bỏ thuốc lá để bảo vệ hệ hô hấp và xoang mũi, ngay cả khi không hút thuốc thì cũng nên tránh hít phải khói thuốc thụ động. Không lạm dụng kháng sinh vì không có tác dụng gì trong điều trị nhiễm virus, nếu lạm dụng kháng sinh có thể hình thành sự kháng thuốc và phải đối mặt với nhiều nguy cơ khác. Sử dụng dung dịch nước muối để làm sạch mũi mỗi ngày. Giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi, cần mặc ấm, nhất là vùng cổ, ngực, mũi. Mỗi khi đi ra đường, ngoài việc mặc ấm thì cần mang khẩu trang, nên dùng loại có khả năng hạn chế sự xâm nhập của bụi.