Tiểu đường thai kỳ (gestational) là bệnh tiểu đường phát triển trong quá trình mang thai ở khoảng tuần thứ 24. Bệnh ảnh hưởng đến khả năng sử dụng đường (glucose) của các tế bào trong cơ thể và là nguyên nhân gây ra lượng đường cao trong máu, không tốt cho sản phụ và thai nhi.
Bác sỹ CKI Dương Thế Đức - Phó Trưởng khoa Phụ sản cho biết: Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý hay gặp trong sản khoa, chiếm khoảng 12% số phụ nữ mang thai. Sản phụ cần làm xét nghiệm đường máu mao mạch lúc đói ở tuần thai 24 - 28, nếu đường máu mao mạch cao hơn bình thường cần làm nghiệm pháp tăng đường máu lúc đói. Và cần có những tư vấn cụ thể của các bác sỹ chuyên khoa. Tuy nhiên với những mẹ đã có tiền sử tiểu đường trước khi mang thai cần được xét nghiệm sớm hơn để được tư vấn điều trị kịp thời.
Nguy cơ sẽ xảy ra với mẹ và bé khi mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ thường gặp là: Đối với người mẹ, tiểu đường thai kỳ dễ gây ra các biến chứng trong suốt quá trình mang thai cao hơn các thai phụ bình thường như rối loạn chuyển hóa, nhiễm trùng tiết niệu, viêm đài bể thận, tổn thương mắt, mạch vành. Các biến chứng sản khoa như tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, tăng tỷ lệ sảy thai, sinh non, sang chấn trong đẻ, chảy máu sau đẻ, tăng tỷ lệ mổ lấy thai do thai to, tăng tỷ lệ nhiễm khuẩn… thậm chí tăng nguy cơ tiểu đường cho những lần có thai sau (với tỷ lệ 30 – 69 % ở những lần có thai kế tiếp). Với em bé sẽ có các nguy cơ như thai to, vàng da, hạ đường huyết, nguy cơ tiểu đường và béo phì...
Các bác sỹ chuyên khoa sản khuyến cáo các thai phụ cần đi khám thai định kỳ đúng chuyên khoa, làm các xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu, nước tiểu. Những mẹ bầu có nguy cơ cao bị tăng đường huyết khi thấy có các dấu hiệu như mệt mỏi, hay đói, khát nước nhiều, đi tiểu nhiều, gầy sút không rõ nguyên nhân, tăng nhiều cân bất thường so với mức bình thường trong thai kỳ...cần được khám, tư vấn kịp thời.
Phụ nữ mang thai bị tiểu đường cần có chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học kết hợp với thói quen tập luyện hàng ngày để duy trì ổn định lượng đường trong máu, lập danh sách những thực phẩm nên ăn và không nên ăn khi bị tiểu đường thai kỳ theo hướng dẫn của bác sỹ sản khoa và bác sỹ dinh dưỡng là việc làm rất cần thiết. Nếu được chẩn đoán sớm và điều trị thích hợp, tiểu đường thai kỳ sẽ không còn là nỗi lo nhiều ở phụ nữ mang thai.