Dị ứng mùa hè xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể xác định một chất trong môi trường có hại và gây nguy hiểm cho cơ thể sẽ kích thích cơ thể giải phóng histamin, hình thành nên hàng loạt các phản ứng dị ứng ở người.
Ở các nước có khí hậu nhiệt đới, trong đó có Việt Nam, thời gian thụ phấn của hoa bắt đầu vào mùa xuân và kéo dài đến hết tháng 11. Đây là nguyên nhân dẫn đến tăng nguy cơ dị ứng ở những người có cơ địa nhạy cảm. Tác nhân gây dị ứng mùa hè phổ biến khác là cây cối, cỏ dại khi cơ thể bị nhạy cảm với loại thực vật trên, khi tiếp xúc, vùng da sẽ xuất hiện một số phản ứng như phát ban đỏ, ngứa rát…
Mùa hè thời tiết nắng nóng là thời điểm các loại côn trùng sản sinh và phát triển. Khi tiếp xúc với dịch tiết của một số loại côn trùng như kiến lửa, ong vò vẽ, ong bắp cày…Có thể xuất hiện các triệu chứng như ngứa ngáy, nốt sưng mẩn đỏ. Những vết này nếu không được xử lý kịp thời, đúng cách sẽ gây ra các triệu chứng dị ứng. Trong một số trường hợp, dị ứng do côn trùng cắn có thể nguy hiểm đến tính mạng, nếu thấy các dấu hiệu như buồn nôn, chóng mặt, khó thở… hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được xử lý kịp thời.
Nấm mốc tại môi trường ẩm ướt như phòng tắm, tầng hầm…là nơi lý tưởng khiến cho bào tử nấm sinh sôi, phát triển. Theo tổ chức Asthma và Allergy của Mỹ, nấm mốc thường xuất hiện nhiều vào thời điểm cuối hạ, lẫn trong không khí nên rất dễ vô tình hít phải, gây nên một số triệu chứng dị ứng như thở khò khè, hắt hơi, sổ mũi…
Để phòng ngừa các bệnh dị ứng mùa hè cần hạn chế hoạt động ngoài trời khi mật độ phấn hoa và bụi bẩn trong không khí cao, nhất là vào buổi sáng và nên uống nhiều nước khi thấy các triệu chứng dị ứng bùng phát. Nước giúp hạ nhiệt độ dưới da cũng như thân nhiệt khi thời tiết mùa hè nắng nóng. Ngoài ra, uống nhiều nước còn giúp cung cấp độ ẩm tự nhiên cho da, giảm tình trạng bài tiết mồ hôi quá nhiều trên da.
Hạn chế phơi quần áo ngoài trời vì phấn hoa có thể sẽ bám vào quần áo. Đóng kín cửa sổ và cửa ra vào, sử dụng máy điều hoà có chế độ lọc không khí để hạn chế tác nhân gây hại tiềm ẩn trong môi trường.
Vệ sinh nhà cửa, chăn ga, gối đệm, các khe, kẽ hở ở giá sách, đầu giường và thường xuyên hút bụi để loại bỏ bụi và các chất gây dị ứng. Đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc tiếp xúc với khói bụi. Không hút thuốc, hạn chế lượng thức uống có cồn, và hạn chế tiếp xúc với khói bụi và phấn hoa, chó mèo vì đó là những dị nguyên thường gặp cho bệnh dị ứng. Duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định, giữ ấm khi trời lạnh và làm mát khi trời nóng, đặc biệt lưu ý vào những thời điểm giao mùa.
Nên dự trữ sẵn một số thuốc chống dị ứng thời tiết để uống thuốc ngay khi có biểu hiện nhẹ. Khi xuất hiện các biểu hiện nặng như mề đay hoặc các triệu chứng không thuyên giảm, người bệnh không được tự ý điều trị mà phải đến các cơ sở y tế gần nhất.