Suy thận mạn tính
Suy thận là trạng thái suy giảm chức năng của thận bao gồm chức năng bài tiết lượng nước thải và chất độc trong cơ thể do quá trình trao đổi chất gây ra.
Có hai loại, suy thận cấp tính và suy thận mạn tính. Suy thận cấp tính xảy ra trong thời gian ngắn, trước đó chưa từng xảy ra hoặc đã xảy ra nhưng đã chữa khỏi. Suy thận cấp có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Một số trường hợp chuyển sang suy thận mạn tính.
Suy thận mạn tính có hai loại, bao gồm suy thận do những bệnh khác gây nên và do những bệnh từ quả thận sinh ra. Suy thận mạn là tình trạng suy giảm từ từ và không hồi phục chức năng thận
Tùy thuộc vào mức độ suy giảm chức năng thận, bệnh thận mạn từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 5, là suy thận giai đoạn cuối. Bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối (End Stage Renal Disease) phải được điều trị thay thế thận.
Suy thận mạn tính gây tích tụ các chất thải, tăng urê và creatinin máu gây chán ăn, buồn nôn, nôn ói, hôn mê, giảm hoặc ngưng tạo nước tiểu, ứ đọng dịch trong cơ thể gây phù, cao huyết áp, suy tim (mệt, khó thở…), thiếu máu khiến da xanh, mệt mỏi…Biến chứng nguy hiểm tính mạng là phù phổi cấp, tăng kali máu, rối loạn nhịp tim, ngưng tim.
Nguyên nhân trước thận (chiếm 55% trường hợp): do ứ trệ tuần hoàn toàn bộ (giảm thể tích tuần hoàn do mất máu, bỏng...) hay khu trú (xơ gan cổ chướng, xơ vữa động mạch thận...) làm thận thiếu máu nuôi dẫn tới hoại tử nhu mô thận gây suy giảm các chức năng một cách nhanh chóng. Diễn tiến của suy thận cấp diễn ra qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn khởi phát: xuất hiện tình trạng giảm tưới máu dẫn tới rối loạn vận chuyển các ion qua màng tế bào, rối loạn quá trình tổng hợp năng lượng gây hoại tử nhu mô thận. Đặc biệt là các tế bào ở ống lượn gần và nhánh lên quai Henle, do nơi này ít được tưới máu. Độ thanh lọc của thận giảm do giảm áp lực các động mạch thận. Nếu bù máu kịp thời sẽ hồi phục các nhu mô thận
- Giai đoạn duy trì: quá trình hoại tử diễn ra trầm trọng, rõ rệt. Độ thanh lọc và lượng nước tiểu giảm rất thấp, có thể xảy ra vô niệu. Các chất hoại tử đổ vào trong lòng ống thận gây ách tắc đường lọc, đồng thời làm nặng thêm tình trạng thiểu dưỡng và hủy hoại tế bào. Khắc phục tuần hoàn thận ở giai đoạn này cũng không làm thận hồi phục ngay được.
- Giai đoạn khôi phục: sau khi giải quyết được tình trạng rối loạn huyết động học, các nhu mô thận dần dần tái sinh.
Điều trị suy thận mạn tính
Điều trị nội khoa: chế độ ăn hạn chế chất đạm (thịt cá…) và các loại trái cây nhiều kali, hạn chế muối và nước; điều trị cao huyết áp, suy tim, đái tháo đường; điều trị thiếu máu; điều trị các biến chứng
Điều trị thay thế thận: lọc màng bụng, chạy thận nhân tạo, ghép thận, trong đó lọc màng bụng chiếm nhiều ưu thế cho người bệnh.
Với chạy thận: người bệnh cần phải phẫu thuật tạo đường thông giữa động mạch - tĩnh mạch, thực hiện lọc máu tại bệnh viện từ 2 đến 4 lần/tuần, mỗi lần kéo dài từ 4 đến 6 giờ đồng hồ. Vì thiết bị chỉ đặt tại bệnh viện nên mỗi lần lọc thận, bệnh nhân phải di chuyển từ nhà đến bệnh viện, điều này bất tiện cho các bệnh nhân quá yếu hoặc những người ở các vùng sâu vùng xa.
Với thay thận: khuyết điểm lớn nhất là nguồn thận và quả thận tương thích, chi phí điều trị cao.
Với phương pháp lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc): màng bụng là lớp màng lót mặt trong ổ bụng và bao phủ các nội tạng của cơ thể, lớp màng này bán thấm cho phép nước và các chất hoà tan đi qua. Lọc màng bụng sử dụng chính màng bụng của cơ thể để lọc các chất cặn bã và nước thừa ra khỏi cơ thể. Bệnh nhân được phẫu thuật đặt một ống thông (catheter) nhỏ mềm vào ổ bụng, sau đó được huấn luyện kỹ để tự thay dịch hàng ngày tại nhà.
Ưu điểm của lọc màng bụng là không lệ thuộc vào bệnh viện, người bệnh tự thực hiện tại nhà (sau khi được huấn luyện kỹ), chỉ đến bệnh viện 1 lần/tháng để tái khám và nhận dịch. Người bệnh có thể linh hoạt về thời gian thay dịch, được tư vấn để chọn thời gian thay dịch phù hợp, ví dụ sau thức dậy buổi sáng, trước ăn trưa, trước ăn chiều, trước khi ngủ. Bệnh nhân vẫn có thể đi làm hay đi học.
Lọc máu liên tục 24/24 giờ và gần giống chức năng thận tự nhiên hơn. Chế độ ăn kiêng ít nghiêm ngặt hơn và có thể uống nước theo nhu cầu cơ thể. Chức năng thận còn lại được bảo tồn tốt hơn, ít biến động huyết áp hơn, đỡ thiếu máu hơn, không cần sử dụng kim tiêm, ít bị nhiễm trùng máu và siêu vi viêm gan hơn chạy thận nhân tạo, bảo tồn chức năng thận còn lại tốt hơn
Lọc màng bụng còn giảm thiểu sự giao động của huyết áp, giúp bảo tồn chức năng thận tốt hơn. Tuy nhiên, điều kiện nhà ở phải thích hợp như phòng thay dịch, chỗ chứa dịch, vòi rửa tay.
Khuyết điểm của lọc màng bụng là luôn mang ống thông ở bụng, nhiễm trùng có thể xảy ra nếu không tuân thủ đúng quy trình thao tác, người lớn tuổi phải có người hỗ trợ.
Nhiễm trùng là vấn đề phổ biến nhất cho những người được thẩm phân phúc mạc là viêm phúc mạc, nhiễm trùng niêm mạc của khoang bụng (phúc mạc). Sự nhiễm trùng cũng có thể phát triển nơi ống (catheter) được đưa vào để thực hiện dịch làm sạch vào và ra khỏi bụng.
Một số người bị tình trạng tăng cân do chất lỏng được sử dụng để làm sạch máu trong thẩm phân phúc mạc có chứa đường (dextrose).
Chống chỉ định điều trị
Những bệnh nhân mang bệnh lý nhiễm khuẩn trong khoang bụng hoặc các tạng trong ổ bụng (viêm phúc mạc, viêm ruột, ápxe các tạng). Người bị rối loạn đông máu nặng. Người mới phẫu thuật ổ bụng, có tăng áp lực ổ bụng do các nguyên nhân khác (viêm tuỵ cấp nặng, dịch cổ chướng, u phần phụ...). Những người có thai, người bị dính ruột, người quá béo và bệnh nhân đang được thông khí nhân tạo cũng không thể áp dụng phương pháp điều trị này.
Nguồn tin: Suckhoedoisong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn