Tiếp nhận, xử trí bệnh nhân uốn ván khi có vết thương nhưng không được tiêm phòng uốn ván
Thứ hai - 13/09/2021 04:31
Vừa qua Khoa Truyền nhiễm- Bệnh viện đa khoa tỉnh tiếp nhận bệnh nhân N.V.N 38 tuổi, trú tại huyện Quảng Hòa, Cao Bằng, nhập viện trong tình trạng vết thương vùng cẳng chân phải sưng tấy rớm máu, cứng hàm, há miệng hạn chế, co cứng cơ toàn thân . Theo lời người nhà kể, cách ngày vào viện 10 ngày bệnh nhân làm nghề cơ khí không may bị vết thương vùng cẳng chân phải do thanh sắt cứa vào, nhưng chủ quan không đi tiêm phòng uốn ván. Ở nhà chưa được dùng thuốc gì, đến sàng ngày 11/9/2021 xuất hiện cứng hàm, không ăn được gì, người mệt mỏi nhiều nên được người nhà đưa vào Bệnh viện tỉnh khám và điều trị. Qua thăm khám làm các xét nghiệm cận lâm sàng bệnh nhân được chẩn đoán: Uốn ván / Vết thương nhiễm trùng cẳng chân phải. Hiện tại bệnh nhân đang được điều trị, chăm sóc tại Khoa Truyền nhiễm.
Theo các Bác sĩ khoa Truyền nhiễm cho biết: Uốn ván là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do trực khuẩn uốn ván gây nên. Ở dạng nha bào, vi khuẩn này tồn tại nhiều năm ở môi trường thích hợp và kháng với nhiều loại thuốc khử khuẩn, không bị tiêu diệt khi đun sôi 20 phút. Nha bào uốn ván tồn tại trong đất, bụi, cát, phân trâu, bò, ngựa, gia cầm, cống rãnh, dụng cụ phẫu thuật không được diệt khuẫn kỹ, kim loại gỉ, sét…Bệnh nhân mắc bệnh uốn ván nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Do đó không được chủ quan khi bị những vết xây xát, vết thương nhẹ.
Tất các vết thương hở, trầy xước, rách da vi khuẩn uốn ván đều có thể xâm nhập. Các loại vết thương có nguy cơ nhiễm uốn ván cao cần được tiêm phòng khẩn cấp bao gồm vết thương nặng do tai nạn giao thông , vết thương gây ra do các vật sắc nhọn như đinh gỉ, cành cây... Ngoài ra, các loại vết thương có nguy cơ nhiễm trùng thấp hơn như vết bỏng, trầy xước nhẹ, các loại vết thương hở không sâu và không bị nhiễm bẩn cũng cần được sơ cứu kịp thời và đúng cách để phòng ngừa nguy cơ uốn ván.
Nha bào uốn ván sẽ thông qua vết thương xâm nhập vào cơ thể, sau đó thoát nha bào thành thể hoạt động, giải phóng ngoại độc tố vào máu và tấn công đến hệ thống vận động thần kinh - cơ, làm bệnh nhân bị co cứng và trên nền này sẽ xuất hiện các cơn co giật. Dẫn đến suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật, ngừng tim.
Uốn ván là bệnh nguy hiểm, ở thể tối cấp, khi đã xuất hiện triệu chứng tỷ lệ tử vong rất cao, nếu không tử vong thì thời gian điều trị kéo dài, chi phí điều trị rất tốn kém. Thời gian ủ bệnh uốn ván kéo dài từ 3 - 21 ngày, trung bình là từ 7 - 8 ngày. Do đó, cần tiêm phòng uốn ván càng sớm càng tốt, thời gian tốt nhất là trong vòng 24 giờ để phòng ngừa vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.
Qua trường hợp bệnh nhân này, các Bác sĩ khoa Truyền nhiễm khuyến cáo: Uốn ván là bệnh nguy hiểm đến tính mạng dễ tử vong do đó mọi người cần cảnh giác phòng tránh bệnh,Trong quá trình làm việc tại những nơi dễ dàng bị thương hay thường làm việc với những vật dụng sắt nhọn cần trang bị đầy đủ trang thiết bị an toàn lao động như giày bảo hộ, găng tay chống cắt, đồ bảo hộ. Khi có vết thương hở, cần rửa sạch vết thương dưới vòi nước sạch, loại bỏ tất cả các chất bẩn, dị vật bám lên vết thương (có thể sử dụng oxy già, dung dịch sát khuẩn povidon). Băng bó và đến cơ sở gần nhất để tiêm phòng uốn ván.
Nguồn tin: Phòng Công tác xã hội casino online tutbn
: